1. Đầu tư trực tiếp
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (tiếng Anh: Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI) là hình thức đầu tư dài hạn của cá nhân hay công ty nước này vào nước khác bằng cách thiết lập cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cá nhân hay công ty nước ngoài đó sẽ nắm quyền quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh này. Cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài muốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì phải có dự án đầu tư, và làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau đó thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư của mình.
Thủ tục thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài:
Bước 1: Xin giấy chứng nhận Đầu tư tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân tỉnh, Quốc hội, Chính phủ).
Để xin được giấy chứng nhận đầu tư, cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài phải có dự án và lập dự án gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau khi được duyệt dự án thì Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư
Bước 2: Xin giấy phép kinh doanh
Phải chuẩn bị đầy đủ 1 bộ hồ sơ thành lập công ty ở Việt Nam kèm theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên/danh sách cổ đông công ty (nếu có);
- Bản sao chứng thực cá nhân;
- Giấy chứng nhận đầu tư.
2. Đầu tư gián tiếp
Đầu tư gián tiếp là hoạt động đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài không trực tiếp thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam.
Hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài bao gồm các hình thức sau đây:
- Góp vốn, mua, bán cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam chưa niêm yết, chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam và không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
- Góp vốn, mua, bán cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường đăng ký giao dịch (UPCOM) và thị trường chứng khoán niêm yết và không trực tiếp tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp.
- Mua, bán trái phiếu và các loại chứng khoán khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
- Mua bán các giấy tờ có giá khác bằng đồng Việt Nam do người cư trú là tổ chức được phép phát hành trên lãnh thổ Việt Nam.
- Ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán và các tổ chức được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo các quy định của pháp luật về chứng khoán; ủy thác đầu tư bằng đồng Việt Nam thông qua tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện nghiệp vụ ủy thác đầu tư theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Góp vốn, chuyển nhượng vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (không trực tiếp tham gia quản lý) trong các quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
- Các hình thức đầu tư gián tiếp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với các cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài muốn đầu tư tại Việt Nam mà không xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì phương án đầu tư gián tiếp là tối ưu. Đầu tiên họ thành lập một công ty 100% do cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam làm chủ sở hữu, sau đó sẽ làm thủ tục mua lại cổ phần hoặc phần vốn góp trong công ty đó.