Quảng Ninh được đánh giá là môi trường kinh doanh năng động hàng đầu Việt Nam, tính đến hết năm 2018 đã có hơn 2000 doanh nghiệp thành lập mới theo số liệu của Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Ninh. Chính vì vậy nơi đây đã thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vậy điều kiện thành lập doanh nghiệp tại Quảng Ninh 2019 như thế nào?
1. Về chủ thể doanh nghiệp
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền được mở công ty để tiến hành kinh doanh, sản xuất trừ các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 18.
Bao gồm :
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
2. Về vốn điều lệ thành lập doanh nghiệp
Luật không quy định mức vốn điều lệ cho từng loại hình công ty, tuy nhiên các doanh nghiệp cần lưu ý một số quy định sau đây, để tìm hiểu về thời hạn góp vốn của các cổ đông/thành viên và quy định về tăng, giảm vốn điều lệ cho mỗi loại hình công ty.
- Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp vốn và được ghi vào Điều lệ công ty.
- Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập công ty do pháp luật quy định đối với từng ngành, nghề.
Doanh nghiệp được tự đưa ra mức vốn điều lệ. Tuy nhiên, không nên đưa ra mức thực tế không có thật vì sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện sổ sách kế toán, các khoản hạch toán, lãi vay…Nếu bị phát hiện doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Pháp Luật.
Khi thành lập doanh nghiệp tại Quảng Ninh cần lưu ý những quy định về vốn của pháp luật, nhất là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện riêng về vốn pháp định. Còn những ngành nghề không có ràng buộc chỉ cần đảm bảo vốn điều lệ.
3. Về ngành, nghề kinh doanh
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, các ngành, nghề chủ yếu được chia thành 3 nhóm như sau:
- Ngành nghề kinh doanh tự do;
- Ngành nghề kinh doanh có điều kiện;
- Ngành nghề kinh doanh bị cấm
Về cơ bản, những doanh nghiệp muốn được thành lập tại Quảng Ninh được “tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm” theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014.
- Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Nội dung cụ thể của ngành kinh tế cấp bốn quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó. - Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
- Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.
- Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động.
4. Về chứng chỉ hành nghề của người mở công ty tại Quảng Ninh
Theo quy định, người quản lý, điều hành phải bắt buộc có một số chứng chỉ hành nghề thì công ty mới được phép hoạt động đối với một số ngành, nghề kinh doanh.
Doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động sau khi chứng minh được các chứng chỉ hành nghề đó và đảm bảo điều kiện đi vào hoạt động.
5. Về con dấu công ty
Để thành lập doanh nghiệp tại Quảng Ninh, các công ty có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu, chỉ cần gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để đăng tải thông tin trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
6. Về tên doanh nghiệp tại Quảng Ninh
Tên công ty thể hiện ý nghĩa, kỳ vọng và cả niềm tin của chủ sở hữu vào “đứa con” của mình nhưng vẫn phải tuân theo những quy định cụ thể.
Một số trường hợp không được đặt tên như sau:
1. Tên tiếng Việt của công ty muốn thành lập viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó hay còn gọi là “Tên trùng”;
2. Tên công ty muốn thành lập gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó:
- Tên tiếng Việt của công ty muốn thành lập đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký trước đó;
- Tên viết tắt của công ty muốn thành lập trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã thành lập trước đó;
- Tên bằng tiếng nước ngoài của công ty muốn thành lập trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã thành lập trước đó;
- Tên riêng của công ty muốn thành lập chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã thành lập trước đó bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của công ty đã thành lập trước đó;
- Tên riêng của công ty muốn thành lập chỉ khác với tên riêng của công ty cùng loại đã thành lập trước đó bằng ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-“, “_”;
- Tên riêng của công ty muốn thành lập chỉ khác với tên riêng của công ty cùng loại đã thành lập trước đó bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng;
- Tên riêng của công ty muốn thành lập chỉ khác với tên riêng của công ty cùng loại đã thành lập trước đó bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự
7. Về địa điểm trụ sở
Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:
- Trụ sở chính của công ty muốn thành lập phải ở trên lãnh thổ Việt Nam;
- Địa chỉ công ty muốn thành lập phải được xác định chi tiết gồm: số nhà, số ngách, số hẻm, số ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố,…..
- Trụ sở công ty muốn thành lập không được đặt tại Chung cư/ khu tập thể,… (văn bản của bộ ngành liên quan.
Địa điểm đăng ký phải rõ ràng, hợp pháp và có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hoặc hợp đồng thuê lại.
Trên đây là 7 điều kiện để thành lập doanh nghiệp tại Quảng Ninh mà các công ty cần lưu ý. Tuy nhiên, vẫn còn những điều kiện khác tùy vào từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, để đảm bảo việc thành lập công ty được thuận lợi, hãy liên hệ với những văn phòng Luật chuyên nghiệp để được tư vấn và hỗ trợ.